Định lượng uE3 bằng máy miễn dịch tự động - Phiên bản có thể in +- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan) +-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html) +--- Diễn đàn: Hóa sinh - Miễn dịch (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-11.html) +---- Diễn đàn: Thực hành (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-100.html) +---- Chủ đề: Định lượng uE3 bằng máy miễn dịch tự động (/thread-5886.html) |
Định lượng uE3 bằng máy miễn dịch tự động - tuyenlab - 03-29-2016 ĐỊNH LƯỢNG uE3 (UNCONJUGATED ESTRIOL)
Estriol là sản phẩm thoái hóa của Estradiol (là một trong ba chất estrogen). Estriol chủ yếu dưới dạng liên hợp với acid glucuronic và acid sulfuric. Một lượng nhỏ còn lại ở dạng tự do hay Estriol không liên hợp. Estrogen được tổng hợp từ buồng trứng, tinh hoàn, rau thai, vỏ thượng thận.
I. NGUYÊN LÝ Nồng độ uE3 được xác định dựa trên phép phân tích miễn dịch cạnh tranh hóa phát quang đánh dấu enzym (Enzyme-labeled chemiluminescent competitive immunoassay)
Quy trình phản ứng: - Ban đầu, mẫu của người bệnh sẽ được ủ với hạt bead trong vòng 30 phút. Suốt thời gian này, uE3 trong mẫu sẽ liên kết với một lượng giới hạn kháng thể đa dòng kháng Estriol được phủ trên hạt bead.
- Sau đó, thuốc thử được thêm vào tube phản ứng trên và tiếp tục ủ trong 30 phút. Estriol (liên hợp với enzym ALP) trong thuốc thử sẽ liên kết với lượng kháng thể kháng Estriol còn lại trên hạt bead. - Những thành phần không liên kết sẽ được rửa ly tâm để loại bỏ. Cuối cùng, cơ chất phát quang được thêm vào tube phản ứng để tạo tín hiệu nhờ sự xúc tác của enzym ALP, tín hiệu thu được sẽ tỷ lệ thuận với lượng enzym ALP, hay tỷ lệ nghịch với lượng uE3 có trong mẫu.
II. CHUẨN BỊ 1. Người thực hiện: Bác sỹ, cử nhân được đào tạo sử dụng máy Immulite 2000. 2. Phương tiện, hóa chất 2.1. Phương tiện: Hệ thống máy phân tích Immulite 2000 của hãng SIEMENS. 2.2. Hóa chất - Pha rắn: Hộp chứa hạt bead + Chứa 200 hạt bead được phủ kháng thể đa dòng kháng Estriol từ thỏ + Bảo quản ổn định ở 2 – 8oC đến ngày hết hạn - Pha lỏng: Hộp chứa thuốc thử + Chứa 11,5 mL enzym ALP (từ ruột bê) liên hợp với Estriol trong dung dịch đệm, có chất bảo quản. + Bảo quản ổn định ở 2 – 8oC đến ngày hết hạn - Các dung dịch hiệu chuẩn (Adjustor) uE3: + 2 lọ (mức thấp và mức cao) chứa uE3 trong huyết thanh đã được xử lý có nguồn gốc từ người (4mL/lọ).
+ Bảo quản ổn định ở 2 – 8oC trong 30 ngày sau mở nắp, 6 tháng ở -20oC. - Các thành phần không được cung cấp kèm theo Kit: + Dung dịch pha loãng mẫu: Multi-Diluent 2 + Cơ chất hóa phát quang (Chemiluminescent Substrate): là một ester phosphate của adamantyl dioxetane, bị thủy phân dưới xúc tác của enzym ALP tạo thành một dạng trung gian không ổn định. Chất trung gian này nhanh chóng bị phá vỡ liên kết để chuyển thành dạng ổn định, đồng thời phát xạ ánh sáng.
+ Dung dịch rửa các kim hút (Probe wash) + Dung dịch vệ sinh các kim hút (Probe Cleaning Kit) + Tube phản ứng, Tube mẫu + Dung dịch kiểm tra chất lượng (Control): 2 mức * Lưu ý: + Chỉ sử dụng để chẩn đoán trong phòng thí nghiệm + Thuốc thử được loại bỏ theo quy định + Chất bảo quản Natri azide (dưới 0,1 g/dL). Khi xử lý phải dùng một lượng nước lớn để rửa, tránh sự ăn mòn đường ống. + Cơ chất hoá phát quang: tránh nhiễm bẩn, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. + Nước: sử dụng nước cất hoặc nước đã khử ion. 3. Người bệnh Thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh ở quý II của thai kỳ (tuần thai từ 14 đến 20 tuần) dành cho thai phụ đến muộn hoặc sàng lọc quý I có nghi ngờ. Không nhất thiết yêu cầu người bệnh nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm. 4. Phiếu xét nghiệm: theo mẫu quy định của Bệnh viện và của Bộ Y tế, phải điền đầy đủ thông tin của người bệnh… III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 1. Lấy bệnh phẩm - Mẫu phân tích: Chỉ dùng Huyết thanh - Xử lý mẫu: + Đảm bảo cục máu đông co lại hoàn toàn trước khi ly tâm mẫu để tách huyết thanh, tránh nhiễu kết quả do sự có mặt của fibrin. + Khi sử dụng máu bị vỡ hồng cầu, việc đánh giá kết quả cần thận trọng. - Sử dụng máy siêu ly tâm để làm trong những mẫu có Lipid cao. - Thể tích mẫu cần thiết: 20 µl huyết thanh. - Bảo quản: 7 ngày ở 2 – 8oC, 6 tháng ở -20oC. - Pha loãng mẫu: pha loãng mẫu với dung môi thích hợp trước khi phân tích nếu nghi ngờ mẫu có nồng độ uE3 cao hơn ngưỡng đo của máy
2. Tiến hành kỹ thuật 2.1. Quy trình phân tích - Để có kết quả tối ưu, cần tuân thủ các bước của quy trình bảo trì theo sách hướng dẫn IMMULITE 2000. Bao gồm: chuẩn bị, cài đặt, hòa loãng, hiệu chỉnh đường chuẩn (Adjustment), chạy kiểm tra chất lượng và phân tích.
- Chu kỳ hiệu chỉnh lại đường chuẩn (Adjustment) được khuyến cáo là 2 tuần, hoặc khi chạy kiểm tra chất lượng không đạt, hoặc khi thay Lot hóa chất mới.
- Chạy kiểm tra chất lượng ít nhất là 2 mức (thấp và cao) 2.2. Chu kỳ ủ: 2 x 30 phút 2.3.Thời gian có kết quả đầu tiên: 65 phút IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ 1. Hiển thị kết quả - Đơn vị đo: ng/mL Chuyển đổi đơn vị: ng/mL × 3,467 → nmol/mL - Giới hạn đo: 0,25 – 30 ng/mL - Độ nhạy: 0,10 ng/mL 2. Giá trị tham khảo Mỗi Phòng thí nghiệm nên thiết lập một giá trị tham khảo riêng. 3. Đánh giá - Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự giảm nồng độ uE3 trong quý II của thai kỳ liên quan đến các bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi như hội chứng Down, hoặc hội chứng Edward. Nồng độ thấp uE3 cũng liên quan đến sự thiếu hụt steroid sulfatase của nhau thai, hoặc trường hợp thai nhi mắc hội chứng Smith-Lemli-Opitz.
- Nồng độ uE3 giảm liên tục trong quý III của thai kỳ thường cho thấy sự suy thai, hoặc nguy cơ sinh con có trọng lượng thấp.
V. SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ 1. Hạn chế của phương pháp - Các kháng thể không đồng nhất trong huyết thanh người có thể phản ứng với các Ig trong thuốc thử gây nhiễu kết quả phân tích - Những người bệnh thường xuyên tiếp xúc với động vật hoặc các sản phẩm từ huyết thanh động vật cũng có thể gây nhiễu kết quả phân tích
- Ở thai phụ có bệnh lý về tiền sản giật, thiếu máu hoặc suy giảm chức năng thận, kết quả uE3 thường bị sai lệch. Khi sử dụng kết quả phân tích với mục đích chẩn đoán, cần kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh của người bệnh.
2. Yếu tố gây nhiễu - Các mẫu huyết thanh có nồng độ T- Bilirubin > 200 mg/L (342 µmol/L), hoặc nồng độ Hb > 512 mg/dL, hoặc nồng độ TG > 3000 mg/dL (33,9 mmol/L) có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Do đó, không sử dụng các mẫu này để phân tích.
- Mặc dù mẫu huyết thanh ổn định ở -20oC nhưng có một nghiên cứu chưa được công bố cho rằng có sự tăng nhẹ nồng độ uE3 (khoảng 5- 10%) khi bảo quản ở nhiệt độ này. Do đó chỉ nên bảo quản huyết thanh ở 2 - 8oC và phân tích trong vòng 7 ngày. Theo quyết định số: 320 /QĐ-BYT ngày 23 tháng 01 năm 2014
|