Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Kỹ thuật lấy bệnh phẩm làm phiến đồ cổ tử cung - âm đạo - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html)
+--- Diễn đàn: Giải phẫu bệnh (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-73.html)
+---- Diễn đàn: Thực hành (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-110.html)
+---- Chủ đề: Kỹ thuật lấy bệnh phẩm làm phiến đồ cổ tử cung - âm đạo (/thread-5581.html)



Kỹ thuật lấy bệnh phẩm làm phiến đồ cổ tử cung - âm đạo - tuyenlab - 12-06-2015

KỸ THUẬT LẤY BỆNH PHẨM LÀM PHIẾN ĐỒ CỔ TỬ CUNG - ÂM ĐẠO




I. NGUYÊN LÝ

Dựa vào nguyên lý các tế bào bình thường hoặc bất thường của cổ tử cung – âm đạo có thể bị bong ra khi lấy bằng các dụng cụ lấy tế bào, các tế bào này được dàn mỏng lên các phiến kính và các bác sĩ giải phẫu bệnh và/hoặc bác sĩ tế bào bệnh học có thể phát hiện được chúng sau khi nhuộm bằng những phương pháp thích hợp. Phải lấy bệnh phẩm trúng vùng tổn thương (nếu có) và đủ lượng cần thiết, nghĩa là cần lấy bệnh phẩm cả ở cổ ngoài, cổ trong, đặc biệt ở vùng chuyển tiếp giữa cổ ngoài và cổ trong cổ tử cung.

II. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

+ Bác sĩ chuyên khoa sản phụ hoặc bác sĩ đã được tập huấn cách lấy bệnh phẩm: 01

+ Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 01

2. Phương tiện, hóa chất

- Bàn khám phụ khoa.

- Mỏ vịt sạch các cỡ khác nhau.

- Đèn gù.

- Tăm bông

- Kẹp dài

- Phiến kính có đầu mờ.

- Dụng cụ lấy tế bào (quệt bẹt Ayre cải tiến, chổi lấy tế bào, bàn chải lấy tế bào).

- Nước muối sinh lý 9‰.

- Dung dịch cố định bệnh phẩm (cồn tuyệt đối hoặc cồn- ete tỷ lệ 1/1 hoặc dung dịch cố định dạng xịt).

- Giá đựng phiến đồ (đứng và nằm ngang).

- Phiếu xét nghiệm: ghi đầy đủ thông tin về tuổi, tình trạng kinh nguyệt, biện pháp tránh thai đang dùng, tiền sử bệnh và chẩn đoán lâm sàng hiện tại.

- Bút chì mềm

- Nguồn cấp nước chảy.

- Găng tay các loại, khẩu trang, áo choàng y tế.

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Chuẩn bị

1.1. Người bệnh

- Không trong ngày có kinh nguyệt.

- Không làm những thủ thuật, can thiệp trước khi lấy bệnh phẩm như: Kiêng giao hợp ít nhất 3 ngày; không thăm âm đạo trước bằng tay; không rửa âm đạo trong vòng 24 giờ trước đó, không đặt thuốc trong âm đạo; không bôi các chất dùng cho các thử nghiệm khác (lugol, axit acetic), không thoa dầu vào mỏ vịt; không nạo hoặc làm sinh thiết trước (trừ khi muốn xét nghiệm tế bào học chất nạo, mảnh sinh thiết).

- Vì xét nghiệm tế bào học thường đi đôi với soi cổ tử cung nên trình tự phối hợp như sau: Đặt mỏ vịt khô, lấy bệnh phẩm tế bào, soi cổ tử cung.

1.2. Chuẩn bị dụng cụ lấy bệnh phẩm

- Hai loại dụng cụ được sử dụng là quệt bẹt (spatula) Ayre cải tiến và chải tế bào (cytobrush), trong đó quệt bẹt Ayre cải tiến hiện được sử dụng rộng rãi.

- Dùng quệt bẹt Ayre cải tiến cỡ khác nhau để thích hợp với từng phụ nữ. Đầu nhọn dài của quệt đưa vào ống cổ trong để đảm bảo lấy được đủ bệnh phẩm vùng chuyển tiếp khi quệt, gại vào đó.

2. Tiến hành lấy bệnh phẩm

Ở đây, chỉ nêu cách dùng quệt Ayre cải tiến.

- Sau khi bộc lộ cổ tử cung bằng mỏ vịt đã được khử trùng (để khô hay làm trơn bằng nước sạch), dùng gạc hay bông lau sạch mặt ngoài cổ tử cung.

- Chọn quệt Ayre cải tiến thích hợp với từng người.

- Đưa đầu dài của quệt vào trong ống cổ tử cung và cạnh ngang tựa sát vào mặt ngoài cổ tử cung ở vị trí 3 giờ hoặc 9 giờ (tuỳ thói quen).

- Lấy tế bào bằng cách quay từ từ quệt bẹt theo chiều kim đồng hồ đủ 1 vòng 360o, luôn giữ áp lực cạo, gại vừa phải, hằng định và sao cho 2 cạnh của ngoàm liên tục tiếp xúc mật thiết với cả niêm mạc cổ ngoài và cổ trong cổ tử cung. Nếu ống cổ tử cung giãn rộng, đầu quệt có thể bị lạc hướng. Sau động tác cạo, gại, không thấy có máu, việc lấy bệnh phẩm coi như chưa đầy đủ, có thể lặp lại việc quay quệt bẹt 1- 2 vòng nữa.

- Dùng đầu kia của quệt bẹt gại vào vùng túi cùng âm đạo để lấy thêm phiến đồ túi cùng âm đạo.

3. Làm phiến đồ

- Phiến đồ được làm từ bệnh phẩm lấy bằng đầu nhọn của quệt bẹt có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc phát hiện tổn thương u.

- Có thể dàn (phết) bệnh phẩm cổ tử cung lên phiến kính theo 2 cách:

+ Dàn làm 2 lần: mũi dọc của đầu nhọn quệt bẹt được dàn lên phần trên, song song với bờ trên của phiến kính (các tế bào u nếu có, thường tìm thấy ở vùng này), cánh ngang của đầu nhọn quệt bẹt dàn bệnh phẩm ở đó xuống phần dưới phiến kính, cũng song song với bờ dưới phiến kính. Bằng cách này có thể định vị được tổn thương thuộc cổ ngoài hay ở vùng chuyển tiếp giữa cổ ngoài và cổ trong cổ tử cung. Đối với tổn thương phát hiện được ở cổ ngoài, sẽ rất có ý nghĩa khi soi cổ tử cung âm tính, có thể chọn vùng sinh thiết.

+ Dàn phiến đồ làm 1 lần:

- Dàn phiến đồ 1: dàn đồng thời cả cánh dọc lẫn cánh ngang của đầu nhọn quệt bẹt Ayre làm 1 thì trên phiến đồ 1. Các tế bào bất thường có thể thấy rải ra trên phiến đồ, phản ánh tổn thương của người bệnh không phân biệt định vị cổ trong hay cổ ngoài cổ tử cung.

- Dàn phiến đồ 2 (lấy từ túi cùng âm đạo sau) bằng đầu bẹt của quệt Ayre
như thông lệ.

4. Cố định
- Nhúng phiến đồ vào cồn etanol 95o trong 30 phút. Cũng có thể dùng dung dịch cồn ete tỷ lệ 1/1 hoặc cồn metanol tuyệt đối hoặc sử dụng chất cố định bán sẵn trên thị trường dưới dạng bơm khí dung rất dễ thao tác: chỉ cần ấn đều nút bơm một lần là đủ cho tia khí dung chất cố định phủ kín bệnh phẩm trên phiến đồ và lập tức cố định phiến đồ.

- Có thể cố định bằng để phiến đồ tự khô trong không khí, trước khi nhuộm cần làm cho phiến đồ ướt lại ở phòng xét nghiệm bằng glyxerol 50% trong 2 phút.

IV. KẾT QUẢ

- Phiến đồ mỏng đều, không có hoặc ít chất nhầy, có tế bào của cổ trong, cổ ngoài cổ tử cung, âm đạo và được cố định tốt.

- Có đầy đủ và chính xác các thông tin của Người bệnh.

V. MỘT SỐ LƯU Ý, SAI SÓT VÀ CÁCH XỬ TRÍ

- Không bôi trơn mỏ vịt bằng dầu parafin vì dầu sẽ lẫn với các tế bào và cản trở bắt màu của các tế bào.

- Bệnh phẩm phải được cố định ngay sau khi lấy, nếu không cố định hoặc cố định không đúng cách sẽ làm hư hại các tế bào và buộc phải lấy lại bệnh phẩm.

- Phiến đồ nếu chồng chất tế bào sẽ gây khó nhận định, cần dàn mỏng, đều.

- Không để các phiến đồ dính vào nhau, nếu dính vào nhau sẽ lẫn bệnh phẩm từ phiến đồ này sang phiến đồ kia. Nếu đã bị dính, chỉ có cách lấy lại bệnh phẩm.

- Để phiến đồ không dính vào nhau, cần xếp phiến đồ vào các giá, hộp có rãnh, theo thứ tự.

Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT