Bổ thể - Phiên bản có thể in +- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan) +-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html) +--- Diễn đàn: Vi sinh Y học (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-71.html) +---- Diễn đàn: Lý thuyết (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-97.html) +---- Chủ đề: Bổ thể (/thread-419.html) |
Bổ thể - tuyenlab - 05-02-2012 1. Đại cương Trong huyết tương có một số hệ thống protein có khả năng phản ứng kiểu dây chuyền với tác dụng bảo vệ cơ thể. Mỗi hệ thống gồm những chất tham gia phản ứng, chất đầu tiên khi gặp tác nhân hoạt hoá sẽ trở thành tác nhân hoạt hoá đối với chất thứ 2, cứ như vậy khi chất cuối cùng tham gia phản ứng thì tác dụng sinh học của hệ thống được phát huy đầy đủ. Mỗi hệ thống đều tự điều chỉnh ngoài tác nhân hoạt hoá khởi đầu, còn có nhiều tác nhân ức chế và kích thích để phản ứng xảy ra ở mức sinh lý, không quá mạnh hoặc quá yếu. Hiện nay người ta đã biết được một số hệ thống:
- Hệ thống đông máu: giúp máu đông lại khi ra khỏi mạch và hệ thống chống đông giúp máu không tự phát đông lại trong lòng mạch. - Hệ thống kinin: hình thành ổ viêm. - Hệ thống bổ thể: làm tan tế bào mang kháng nguyên (vi khuẩn hoặc tế bào mang kháng nguyên kết hợp với kháng thể), tham gia phản ứng viêm, và là thành phần chính của đáp ứng miễn dịch dịch thể không đặc hiệu. 1.1. Lịch sử phát hiện bổ thể Năm 1895 Bordet thấy huyết thanh của động vật thí nghiệm đã được mẫn cảm (với vi khuẩn) không những có khả năng làm vi khuẩn đó ngưng kết mà sau đó còn làm vi khuẩn đó tan ra. Tiếp đó phát hiện huyết thanh của con vật chứa hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất: xuất hiện sau khi động vật thí nghiệm được mẫn cảm, bền với nhiệt, có tác dụng làm vi khuẩn ngưng kết lại với nhau. Yếu tố này gọi là kháng thể. Yếu tố thứ hai: có sẵn trong huyết thanh, không bền với nhiệt, yếu tố này làm tan vi khuẩn sau khi bị kháng thể làm ngưng kết, yếu tố này gọi là bổ thể: complement (“bổ sung”) do tác dụng bổ sung cho kháng thể. 1.2. Thành phần Bổ thể là một hệ thống gồm nhiều protein, đầu tiên người ta phân lập được 4 thành phần: C1, C2, C3, C4, sau đó thấy C3 không thuần nhất nên đã tách được các thành phần mới như C5, C6, C7, C8, C9. 1.3. Các ký hiệu quy ước Bổ thể có ký hiệu chung là C, mỗi thành phần của hệ thống bổ thể được kèm theo một con số C1, C2,...C9. Riêng C1 có ba bán đơn vị có tên là C1q, C1r, C1s. Khi bị hoạt hoá một số thành phần bổ thể bị tách thành 2 mảnh ký hiệu a và b ở cuối, ví dụ C3a, C5b. 1.4. Nơi sản xuất bổ thể Khi nuôi cấy in vitro, thấy hai loại bạch cầu: đại thực bào và đơn nhân sản xuất được hầu hết các thành phần bổ thể. Nhưng ở trong cơ thể thì chưa rõ chúng tham gia đến mức nào. Người ta đã xác định được gan là cơ quan sản xuất mọi thành phần của bổ thể cho máu, trừ C1 là do biểu mô đường tiêu hoá và tiết niệu sản xuất. Tác nhân phổ biến gây hoạt hoá bổ thể là phức hợp kháng nguyên - kháng thể 2 Hoạt hoá bổ thể Có 3 con đường hoạt hoá bổ thể - Đường cổ điển (clasical pathway): Được tìm ra trước, nhưng về mặt tiến hoá thì con đường này hình thành sau, yếu tố mở màn là phức hợp kháng nguyên - kháng thể, chỉ có ở động vật cấp cao. - Đường thay đổi (alternative pathway): Về tiến hoá thì nó có trước con đường cổ điển, phát triển từ đường nguyên thuỷ của động vật cấp thấp - Đường lectin gắn mannose được phát hiện gần đây 3. Vai trò sinh học của bổ thể Chức năng sinh học chủ yếu của bổ thể là làm ly giải tế bào mang kháng nguyên lạ (chủ yếu là vi sinh vật gây bệnh: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) tham gia hình thành viêm, xử lý và loại trừ phức hợp miễn dịch. Bổ thể đóng vai trò quan trọng chống nhiễm khuẩn. Hầu hết các trường hợp thiếu bẩm sinh các thành phần bổ thể đều bị nhiễm khuẩn liên tiếp. 3.1. Ly giải tế bào mang kháng nguyên Bổ thể tham gia làm tan các tế bào mang kháng nguyên (chủ yếu là các vi sinh vật gây bệnh, các tế bào bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn...) nhờ sự hình thành phức hợp tấn công màng. 3.2. Hình thành phản ứng viêm Các sản phẩm của hoạt hoá bổ thể, nhất là các mảnh C3a, C5a có hoạt tính sinh học quan trọng trong hình thành phản ứng viêm. Một số mảnh có ái tính gắn trên màng một số tế bào, lôi kéo các tế bào này tham gia vào phản ứng viêm. C3a, C5a có tác dụng hấp dẫn bạch cầu, co cơ trơn, gây tăng tính thấm thành mạch giúp bạch cầu xuyên mạch đến ổ viêm, hình thành dịch rỉ viêm. C5a còn bám vào tế bào mast và bạch cầu ái kiềm làm giải phóng ra histamin gây tăng tính thấm thành mạch mạnh C3b còn bám trên một số nhóm tế bào lympho T và B (nhờ thụ thể) có tác dụng hoạt hoá các tế bào này. Ngoài ra C3b còn có thụ thể trên màng bạch cầu đa nhân trung tính, có tác dụng kích thích quá trình thực bào. C1q có thụ thể trên tiểu cầu, tham gia vào quá trình đông máu tại ổ viêm. 3.3. Xử lý phức hợp miễn dịch Xử lý và thải trừ các phức hợp miễn dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều khi có bổ thể tham gia. Các phức hợp KN - KT lưu hành trong máu (gọi là phức hơp miễn dịch) nếu có gắn bổ thể sẽ giúp các tế bào thực bào tăng khả năng bắt giữ (ăn) và tiêu huỷ chúng, nhờ vậy hạn chế khả năng gây bệnh. |