PARAMYXOVIRIDAE - Phiên bản có thể in +- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan) +-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html) +--- Diễn đàn: Vi sinh Y học (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-71.html) +---- Diễn đàn: Lý thuyết (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-97.html) +---- Chủ đề: PARAMYXOVIRIDAE (/thread-3265.html) |
PARAMYXOVIRIDAE - phuhmtu - 12-09-2013 Mục tiêu học tập 1. Nêu được các tính chất của virus. 2. Trình bày được khả năng gây bệnh của virus. 3. Nêu được các phương pháp chẩn đoán phòng thí nghiệm và phòng bệnh. Họ virus này là một nhóm gồm nhiều tác nhân khác nhau về khả năng gây bệnh, về sự phân bố trong giới động vật và về tính chất sinh vật học của chúng. Các virus này có hình thể và cấu trúc rất gần gũi với họ Orthomyxoviridae, nhưng chúng có những tính chất khác biệt như: kích thước từ 150 - 700nm, ARN có trọng lượng phân tử từ 5 - 7.106 daltons, nucleocapsid cuộn nhỏ có đường kính từ 12 đến 18nm, sự hiện diện thường xuyên của một protein liên kết tế bào (gây ra các hợp bào), tính vững bền của các kháng nguyên... Họ Paramyxoviridae được phân chia thành 3 giống: - Paramyxovirus: virus á cúm và virus quai bị - Morbillivirus: virus sởi - Pneumovirus: virus hợp bào đường hô hấp I. VIRUS Á CÚM 1. Các tính chất chung của virus Virus á cúm có nhiều hình thái như hình cầu, hình bầu dục, kích thước 100 - 250nm. Chứa ARN 1 sợi. Virus nhân lên tốt trong các nuôi cấy tế bào thận khỉ, bào thai người... Virus á cúm type 1, 2, 3 và 4 ngưng kết được hồng cầu chuột lang, hồng cầu khỉ và người ở 40C - 370C. 2. Khả năng gây bệnh cho người Virus á cúm gây nên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ những nhiễm trùng nhẹ ở đường hô hấp trên đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản - phế quản đặc biệt nghiêm trọng. Chủ yếu thường gặp virus á cúm type 1, 2, 3 còn type 4 thì ít gặp hơn. 3. Chẩn đoán virus - Phân lập virus từ nước rửa cổ họng, nuôi cấy trong các nuôi cấy tế bào thận khỉ hoặc bào thai người. - Chẩn đoán huyết thanh thường dùng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu. 4. Phòng bệnh và điều trị - Phòng bệnh chung gặp rất nhiều khó khăn. Phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine bất hoạt virus á cúm type 1, 2, 3 rất ít có kết quả. - Điều trị: Không có thuốc đặc hiệu, chú ý đề phòng các biến chứng do nhiễm khuẩn thứ phát. II. VIRUS QUAI BỊ 1. Các tính chất của virus Kích thước của virus quai bị thay đổi từ 85 - 340nm, hình thể đa dạng nhưng cũng có thể hình sợi chỉ. Thành phần hóa học giống như các Paramyxovirus nó ngưng kết được hồng cầu gà, chuột lang... và hấp phụ được hồng cầu trên các tế bào bị xâm nhiễm trong các nuôi cấy tế bào hoặc trong nước khoang ối của phôi gà bị xâm nhiễm. Virus quai bị nhân lên tốt trên phôi gà. Virus quai bị có 3 loại kháng nguyên: - Kháng nguyên S là nucleoprotein. - Kháng nguyên V tạo ra từ vỏ bọc. Đó là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu và Neuraminidaza. - Kháng nguyên dị ứng: Kháng nguyên này làm tăng tính cảm thụ đặc hiệu theo type khi người ta tiêm trong da cơ thể đã bị cảm nhiễm bằng chất dịch lấy từ khoang ối và khoang đệm phôi gà bị xâm nhiễm. 2. Khả năng gây bệnh cho người Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây và gây dịch do virus quai bị gây nên. Thể điển hình của bệnh có thời kỳ nung bệnh khoảng 2 - 3 tuần. Khởi đầu bệnh nhân thấy khó chịu, hơi sợ gió, nhức đầu và sốt lên dần. Đây là thời kỳ lây nhất, nhưng đoán ngay ra bệnh lại rất khó. Hôm sau thấy nhai, nuốt ngượng, đau ở trước tai. Sau đó 1 bên tuyến mang tai bắt đầu sưng và đau rồi 2 - 3 hôm sau lan sang bên kia. Đa số là sưng cả 2 bên, tuy nhiên sưng 1 bên cũng hay gặp. Các tuyến nước bọt khác cũng có thể bị viêm (tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi). Bệnh nhân sốt 390C - 400C trong 3 - 4 ngày. Phần nhiều bệnh khỏi sau 8 - 10 ngày. Bệnh quai bị có thể có một số biến chứng thường gặp ở người lớn như: viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm tụy... Các trường hợp viêm não, viêm màng não - não rất hiếm, nhưng nếu có thì rất nặng và có thể tử vong. Bệnh quai bị có quanh năm, trẻ em dễ mắc bệnh và người lớn chưa mắc vẫn có thể bị lây bệnh. Ổ bệnh duy nhất là người. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp. Bệnh quai bị để lại một trạng thái miễn dịch lâu dài, rất ít khi gặp người bị mắc bệnh lần thứ hai. 3. Chẩn đoán phòng thí nghiệm 3.1. Phân lập virus Bệnh phẩm là nước bọt cấy vào phôi gà hoặc vào trong các nuôi cấy tế bào thận khỉ, Hela, tế bào ối của người. Xác định virus bằng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu và phản ứng trung hòa với huyết thanh mẫu. 3.2. Phản ứng huyết thanh Thường sử dụng phản ứng kết hợp bổ thể và phản ứng ngăn ngưng kết hồng cầu. 4. Phòng bệnh và điều trị 4.1. Phòng bệnh: Cách ly bệnh nhân. Dùng gamma globulin. Dùng vaccine chết hoặc vaccine sống giảm độc lực. 4.2. Điều trị: Không có thuốc đặc hiệu: chủ yếu phải chăm sóc bệnh nhân, tránh đi lại nhiều khi có biến chứng viêm tinh hoàn. III. VIRUS SỞI 1. Các tính chất của virus 1.1. Cấu trúc Hình thể chủ yếu của virus là hình cầu, nhưng có khi là hình sợi chỉ, kích thước khoảng 140nm. Virus chứa ARN 1 sợi, nucleocapsid đối xứng hình xoắn ốc, có vỏ bọc. Trên bề mặt vỏ bọc của virus có các yếu tố ngưng kết hồng cầu. 1.2. Sức đề kháng Virus nhạy cảm đối với ete. Virus sởi có 1 sức đề kháng cao. Nó có thể sống sót nhiều ngày ở 360C, ở 220C sống được trên 2 tuần. 1.3. Tính chất kháng nguyên - Kháng nguyên ribonucleoprotein hay còn gọi là kháng nguyên kết hợp bổ thể. - Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu: nằm trên bề mặt vỏ bọc. Virus sởi làm ngưng kết hồng cầu khỉ. - Dung huyết tố: Tính chất dung huyết của virus sởi được Peries mô tả năm 1961. Hạt virus nguyên vẹn cũng như yếu tố ngưng kết hồng cầu tách rời, đều có hoạt tính tan huyết. 1.4. Nuôi cấy Để nuôi cấy virus sởi, người ta hay dùng nuôi cấy tế bào thận người và thận khỉ, tế bào màng ối người, tế bào phôi gà... Virus sởi trong quá trình phát triển ở nuôi cấy tế bào đã gây ra hiệu ứng tế bào bệnh lý như tạo ra những đám tế bào khổng lồ có nhiều nhân và những hạt vùi ưa eosin trong bào tương và trong nhân. 2. Khả năng gây bệnh của virus Bệnh sởi là 1 bệnh phát ban truyền nhiễm và gây dịch do virus sởi gây nên. 2.1. Sự lan truyền của virus trong cơ thể Virus sởi xâm nhiễm vào đường hô hấp trên hoặc có thể vào mắt và nhân lên ở các tế bào biểu mô và mô bạch huyết kế cận. Qua đợt nhiễm virus máu tiên phát ngắn virus được được phân tán đến mô bạch huyết xa hơn. Sự nhân lên của virus ở đường hô hấp và ở kết mạc gây nên những triệu chứng như: sổ mũi, ho khan, đau đầu, viêm kết mạc, sốt và dấu hiệu Koplick ở niêm mạc miệng. Nhiễm virus máu xảy ra ở cuối thời kỳ ủ bệnh làm cho virus phân tán sâu rộng hơn nữa vào mô bạch huyết và làm phát ban ngoài da. Virus sởi cũng nhân lên và phá hủy đại thực bào và lympho bào gây nên suy giảm miễn dịch nhất là miễn dịch qua trung gian tế bào và quá mẫn muộn. Sự suy giảm miễn dịch ở trẻ em mắc bệnh sởi có vai trò quan trọng trong cơ chế nhiễm lao hoặc các vi khuẩn khác sau sởi (lao sơ nhiễm, viêm phế quản phổi sau sởi,...) 2.2. Dịch tễ học Bệnh sởi là một trong những bệnh dễ lây nhất, lưu hành ở vùng mật độ dân số cao, thỉnh thoảng lại phát sinh thành dịch, người lớn thường đã qua một lần mắc bệnh. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp và niêm mạc mắt. Lây nhất ở thời kỳ khởi phát và trong khi phát ban. Trẻ em trên 6 tháng tuổi, miễn dịch do người mẹ truyền cho đã hết, lúc đó tính cảm thụ tăng rất cao. Bệnh sởi trên toàn thế giới đều do một giống virus độc nhất và bền vững gây nên. Miễn dịch thu được sau khi khỏi bệnh bền vững suốt đời, những trường hợp mắc bệnh lần thứ hai rất hiếm. 3. Chẩn đoán phòng thí nghiệm 3.1. Phân lập và xác định virus Phân lập virus từ nước rửa họng và máu 48 giờ trước khi ban xuất hiện và 30 giờ sau khi nổi ban. Dùng các bệnh phẩm nuôi cấy vào trong các nuôi cấy tế bào cảm thụ. Xác định virus bằng cách tìm các tế bào khổng lồ, các tiểu thể ưa axit trong bào tương và trong nhân. Hoặc dùng phản ứng trung hòa trong các nuôi cấy tế bào. 3.2. Chẩn đoán huyết thanh Có thể dùng các phản ứng huyết thanh như phản ứng trung hòa, phản ứng kết hợp bổ thể. 4. Phòng bệnh và điều trị 4.1. Phòng bệnh - Cách ly bệnh nhân sởi cho đến khi khỏi bệnh. - Đối với các trẻ em có tiếp xúc với bệnh nhân sởi thì nên dùng huyết thanh của người đã mắc bệnh sởi có chứa lượng lớn gamma globulin đặc hiệu chống sởi để có thể ngăn ngừa không cho bệnh xuất hiện hay ít nhất cũng có thể làm cho sự tiến triển của bệnh nhẹ đi rất nhiều. - Phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine: là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất. Có 2 loại vaccine: + Vaccine sởi chết: hiện nay không dùng vì phải tiêm nhiều lần, gây miễn dịch yếu và hay gây hiện tượng quá mẫn khi tiêm nhắc lại. + Vaccine sởi sống giảm độc lực: Vaccine được tiêm 1 mũi x 0,5ml dưới da phía ngoài cánh tay. Hiệu lực của vaccine đến 95%. Phản ứng tại chỗ và toàn thân nhẹ sau khi tiêm chủng 6 - 8 ngày. Không nên tiêm vaccine sởi cho trẻ ít tháng tuổi quá vì dưới 6 tháng trẻ vẫn còn kháng thể sởi của mẹ truyền cho. Tốt nhất là tiêm cho trẻ 9 - 11 tháng tuổi. Hiện nay ở nước ta đang dùng loại vaccine sởi sống giảm độc lực trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 4.2. Điều trị: Trong các trường hợp không có biến chứng, chữa bệnh chỉ nhằm giải quyết các triệu chứng. Cho trẻ nằm nghỉ, ăn các thức ăn dễ tiêu. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát. Dùng gamma globulin đặc hiệu chống sởi để điều trị, có tác dụng rất tốt. IV. VIRUS HỢP BÀO ĐƯỜNG HÔ HẤP (Respiratory syncytial virus: RS virus) 1. Các tính chất chung của virus Virus hợp bào đường hô hấp (virus RS) là một virus chứa ARN 1 sợi, có kích thước khoảng 65 - 300nm, nhạy cảm với ete và có một cấu trúc giống như cấu trúc của các virus á cúm và sởi. Virus RS có tất cả đặc tính chủ yếu của các Paramyxoviridae, chỉ khác là ở chỗ không gây ngưng kết hồng cầu và không gây hấp phụ hồng cầu, cũng như không có khả năng nhân lên trong phôi gà. Virus RS bị mất hoạt lực mau chóng ở pH 3,0. Virus RS nhân lên trong một số nuôi cấy tế bào nguyên phát như tế bào lưỡng bội của người, tế bào thận khỉ, và nuôi cấy tế bào thường trực như Hela, Hep-2,v.v... Trong các nuôi cấy tế bào bị nhiễm virus hình thành hợp bào, các tế bào khổng lồ, một số tế bào nuôi bị thương tổn tròn lại và thoái hóa riêng biệt. 2. Khả năng gây bệnh cho người Virus RS gây bệnh đường hô, chủ yếu ở trẻ em như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản-phổi và viêm thanh quản phế quản. Những thể bệnh nặng thường xảy ra ở trẻ còn bú. Bệnh ở người lớn thường nhẹ và giới hạn ở đường hôhấp trên. Virus RS lưu hành rộng rãi ở nhiều vùng trên thế giới. Chúng lan truyền rất nhanh và mạnh từ người sang người qua đường hô hấp. 3. Chẩn đoán phòng thí nghiệm - Phân lập virus bằng cách cấy bệnh phẩm là chất tiết mũi và họng của bệnh nhân vào các nuôi cấy tế bào Hep-2, Hela, tế bào lưỡng bội của người,v.v... Nếu bệnh phẩm có chứa virus RS thì sau 3 - 14 ngày sẽ xuất hiện các hợp bào điển hình trong các nuôi cấy tế bào bị nhiễm virus. Người ta định loại virus phân lập được bằng phản ứng kết hợp bổ thể và bằng phản ứng trung hòa trong nuôi cấy tế bào. - Chẩn đoán huyết thanh bằng các phản ứng kết hợp bổ thể và trung hòa. 4. Phòng bệnh và điều trị Hiện nay, chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nào có hiệu quả, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. |