Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Kỹ thuật lấy máu bằng túi dẻo - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html)
+--- Diễn đàn: Huyết học - Truyền máu (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-70.html)
+---- Diễn đàn: Thực hành (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-102.html)
+---- Chủ đề: Kỹ thuật lấy máu bằng túi dẻo (/thread-2778.html)



Kỹ thuật lấy máu bằng túi dẻo - tuyenlab - 09-03-2013

1. Mở đầu

Việc sử dụng túi dẻo trong truyền máu là một phương tiện phù hợp rất tốt cho hiện tại và lâu dài. Túi nhựa với nhiều ưu điểm của nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy máu, sản xuất các chế phẩm máu, cũng như trong việc bảo quản và phân phối.
Túi lấy máu cùng các dụng cụ kèm theo sử dụng một lần tạo sự dễ chịu và an toàn cho người cho máu, không gây các tác hại do qúa trình cho máu.

2. Nguyên tắc

- Lấy máu bằng túi là lấy máu theo một qui trình kín do vậy không đòi hỏi phải có buồng vô trùng, có thể thực hiện được ở nhiều nơi ( ví dụ như trong lấy máu lưu động)
- Để đảm bảo được tính năng và các ưu điểm của túi lấy máu đòi hỏi kỹ thuật phải được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ, chính xác.

3. Vị trí tổ chức lấy máu
[Image: 32.jpg]
Với việc sử dụng túi dẻo trong lấy máu, chúng ta sẽ không cần đến buồng vô trùng như đối với lấy máu bằng chai như trước đây. Tại các cơ sở lấy máu cố định chỉ cần có một buồng to phù hợp với nhu cầu của mình. Với lấy máu lưu động ta có thể tiến hành tại nhiều nơi như hội trường, lớp học...thậm chí có thể thực hiện được cả ở vườn hoa, trong công viên..v.v

Nhưng cũng cần chú ý vị trí tổ chức phải đặt tại một nơi rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, không khí trong lành, đầy đủ ánh sáng, để có thể thực hiện được kỹ thuật một cách chính xác, tránh các lây nhiễm và tạo được sự thoải mái dễ chịu đối với người cho máu trước, trong và sau khi cho máu.

4. Phương tiện, dụng cụ:

ở đây chúng ta chỉ đề cập đến những phương tiện và dụng cụ phục vụ trực tiếp cho kỹ thuật lấy máu:

4.1. Giường lấy máu:
được sản xuất chuyên dụng cho lấy máu, với các nơi không có điều kiện có thể sử dụng giường phẳng ngang thay thế. Đi lấy máu lưu động nếu không sử dụng ô tô lấy máu chuyên dùng thì nên dùng giường gấp để dễ vận chuyển và lắp đặt.

4.2. Máy lắc máu:
vừa có tác dụng trộn lẫn chất chống đông với máu vừa có tác dụng xác định thể tích máu được lấy.
[Image: May-lac-tui-mau-Delcon-Hemomix-2.jpg]

4.3. Dụng cụ xác định thể tích máu định lấy:
Nếu không có máy lắc máu, phải thực hiện động tác này bằng tay thì cần có các dụng cụ xác định thể tích máu định lấy như: cân bằng, cân treo hoặc hộp lồng.

4.4. Túi lấy máu:
đơn, đôi, hoặc túi ba tuỳ theo nhu cầu cơ sở.
[Image: Disposable-Blood-Bag-Triple-RT70311-.jpg]

4.5. Máy hàn dây (nếu có thể) có hai loại để cố định và di động.
[Image: 132528353_High_Frequenc_Heat_Sealing_Machine_s.jpg]

4.6. Kìm vuốt dây lấy máu

[Image: 11020-ph_10-1.jpg]

4.7. Khoá nhôm

4.8. Kẹp hoặc panh nhựa

4.9. Bông gạc vô trùng và hộp đựng

4.10. Băng dính

4.11. Dụng cụ sát trùng:
+ Cồn Iod hoặc cồn 70o sát trùng chỗ lấy ven.
+ Nước Giaven: lau và tẩy uế những vết máu dây, vãi ra khu vực lấy máu.

4.12. Panh, kéo kim loại

4.13. Dây garo

4.14. Quả nắm cho người cho nắm khi lấy máu

4.15. Bút dạ

4.16. ống nghiệm và giá để ống nghiệm

4.17. Bàn lấy máu

4.18. Dụng cụ đựng rác thải: hộp, thùng, túi nilon

5. Xác định thể tích máu định lấy

5.1.Nếu sử dụng máy lắc máu
Thường thì các máy lắc máu có kèm tính năng xác định thể tích máu định lấy ( theo nguyên lý thể tích hoặc trọng lượng ). Máy sẽ tự động khoá dây, báo hiệu ngừng lấy khi lượng máu định lấy đã được lấy đủ. Cần điều chỉnh máy theo lượng máu định lấy trước khi tiến hành lấy máu.

5.2.Hộp lồng
Dụng cụ này có cấu tạo đơn giản, rẻ tiền, dễ bảo quản. Cũng phải chú ý kiểm tra và điều chỉnh thể tích hộp lồng bằng các miếng nhựa (adapter) tuỳ theo thể tích máu định lấy trước khi tiến hành kỹ thuật. Khi túi máu nằm chặt trong hộp lồng, tức là lượng máu định lấy đã đủ thì máu cũng không vào thêm được nữa.

5.3. Cân
Có thể sử dụng cân bàn hoặc cân treo, chú ý phải sử dụng loại cân dùng để cân các vật có trọng lượng nhỏ ( nên từ 500g- 1000g) để đảm bảo được độ chính xác cao của cân. Với dụng cụ này xác định thể tích máu định lấy bằng trọng lượng của nó, dựa theo cách tính toán sau:
- Tỷ trọng máu = 1,01g /ml.
- Trọng lượng túi = Trọng lượng bao bì + P dung dịch chống đông
- Trọng lượng máu = Số ml máu định lấy x 1,01g.
Vậy:
Trọng lượng cuối cùng = Trọng lượng túi + Trọng lượng V máu định lấy

Ví dụ: Giả sử túi lấy máu 250ml có trọng lượng 75g
Thể tích máu định lấy là 250ml vậy trọng lượng sẽ là: 250ml x 1,01 = 252,5g
Do đó tổng cộng sẽ là 7,5g + 252,5g = 327,5g

Khi trọng lượng túi máu đặt hoặc treo trên cân đạt tới 327,5g tức là đã lấy đủ số lượng máu dự định là 250ml.

6. Chuẩn bị trước khi lấy máu: (Không đề cập đến việc chuẩn bị khu vực lấy máu)

- Kiểm tra dụng cụ lấy máu: đã đầy đủ về chủng loại, số lượng và chất lượng. Sắp xếp dụng cụ đã ngăn nắp và thuận tiện.

- Kiểm tra túi lấy máu: kiểm tra về chủng loại, số lượng ( lưu ý chỉ mở các hộp đựng túi lấy máu sát với số lượng đơn vị máu định lấy) độ toàn vẹn của các túi lấy máu. Kiểm tra thành phần dung dịch chống đông trong túi để xác định được hạn lưu giữ bảo quản máu. Xác định trọng lượng của loại túi được dùng.

- Cho người cho máu nằm lên trên giường trước khi lấy máu khoảng vài phút.

- Bằng việc hỏi trực tiếp người cho máu để kiểm tra sự phù hợp về các thông tin người cho máu so sánh với thẻ hoặc phiếu cho máu của họ ( họ tên, tuổi, địa chỉ, nhóm máu..) Nếu có bất kỳ một sự không phù hợp nào cần ngừng ngay lại để tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp.

- Xác định lượng máu định lấy, yêu cầu lấy máu nhằm mục đích gì khác thông lệ không, để chuẩn bị túi lấy máu tương ứng.
Ví dụ: + Lấy máu bằng túi đôi hay ba?
+ Thể tích máu định lấy 250ml, 350ml hay 450ml?
+ Nếu lượng máu định lấy ít hơn, cần điều chỉnh lượng dung dịch chống đông, thì tính toán để loại bỏ bớt một phần tương ứng dung dịch chống đông có sẵn trong túi.

- Điền các thông tin được yêu cầu lên nhãn của túi nhựa:
+ Họ tên và/ hoặc số người cho máu.
+ Nhóm máu: Nếu có
+ Ngày lấy máu và / hoặc hạn sử dụng
+ Tên kỹ thuật viên hoặc y tá thực hiện kỹ thuật lấy máu
+ Kết qủa xét nghiệm nếu có.
Nếu là các trường hợp lấy máu có tính chất đặc biệt cần ghi cụ thể mục đích, yêu cầu cụ thể lên nhãn túi và có đánh dấu rõ ràng.

- Xác định trọng lượng toàn bộ túi máu khi đủ máu như đã hướng dẫn ở trên.

- Điền thông tin theo qui định lên ống máu mẫu ( pilot) hoặc ống máu dùng cho xét nghiệm.

7. Tiến hành lấy máu

7.1. Ngay trước khi lấy máu:
- Nếu thấy cần thiết có thể kiểm tra lại các thông tin người cho máu đã nêu ở trên.

- Hỏi xem người cho máu có thoải mái, dễ chịu và đã sẵn sàng cho máu chưa.

- Kiểm tra lại tư thế nằm của người cho đã thoải mái hợp lý chưa.

- Bộc lộ thật cao cánh tay người cho ở bên dự định lấy máu.

- Đặt dây garo: độ chặt vừa phải, phía trên nếp gấp khuỷu tay khoảng 5-7cm.

- Chọn vị trí chọc ven: chọn ven to, căng, ít di động. thường nằm ở giữa nếp lằn khuỷu tay. Lưu ý việc lựa chọn vị trí chọc ven cần rất cẩn thận để tránh gây các trục trặc trong giai đoạn sau và đau đớn cho người cho máu. Nếu chưa thật thoải mái với ven đã chọn thì có thể so sánh với ven ở tay bên kia để chọn được ven tốt nhất

- Một lần nữa kiểm tra lại độ toàn vẹn của túi máu và kim, dung dịch chống đông, các nội dung đã ghi.

- Làm một nút thắt lỏng trên dây lấy máu cách kim lấy máu khoảng 15-20cm sau đó dùng panh kẹp chặt dây lấy máu lại. Có thể không cần làm nút thắt này nếu ta sử dụng kỹ thuật hai panh kẹp khi hoàn thiện quá trình lấy máu, nhưng kỹ thuật này hơi rườm rà và có một số nhược điểm nên chúng tôi không đề cập ở đây..

7.2. Tiến hành lấy máu:
- Trong những trường hợp lấy máu lưu động, số lượng người cho đông, lộn xộn, người kỹ thuật viên hoặc y tá phụ trách lấy máu nhiều giường thì đến tận bước này nếu cảm thấy cần thì nên lướt qua lại sự phù hợp về các thông tin người cho với các nội dung được ghi trên thẻ và túi lấy máu. Một lần nữa hỏi người cho máu đã sẵn sàng chưa..

- Tiến hành chọc ven, dùng cồn Iod hoặc cồn 70o sát trùng vị trí định tiến hành chọc ven. Động tác chọc ven cần tiến hành chính xác, nhanh chóng và dứt khoát. Đi qua da ở vị trí cạnh ven ( tránh đi thẳng vào vị trí có ven do dễ gây loang máu ra xung quanh vị trí chọc, rất xấu về mặt kỹ thuật ) sau đó đưa kim vào lòng ven, chú ý cần đưa kim sâu vào trong lòng ven để kim được cố định tốt tránh gây di lệch về sau.

Khi đã cảm giác được kim nằm trong ven rồi, ta mở panh kẹp dây lấy máu sẽ thấy máu chảy nhanh từ dây lấy máu vào túi.

- Cố định tốt kim bằng băng dính sau khi theo dõi thấy máu chảy tốt.

- Chú ý nếu động tác chọc ven không thành công, có thể dò túi song cần cố gắng hết sức tránh gây đau đớn cho người cho. Sau một hoặc hai lần dò không được, thì không nên cố quá mà nên đổi cho người kỹ thuật viên hoặc y tá khác làm giúp. Nếu cảm giác không tin tưởng thành công thì nên đổi sang tay khác và cho người cho máu nghỉ một lát. Cần lưu ý trước khi rút kim ra khỏi tay người cho máu cần kẹp lại dây lấy máu ( tháo garo, đặt băng vô trùng vào chỗ chọc). Khi rút kim kiểm tra xem có máu đông ở đầu kim hay không, nếu không có cần đậy ngay mũi kim lại. Nếu có cục đông ở đầu kim thì dốc ngược túi máu, mở nhẹ panh kẹp dây dùng một lượng rất nhỏ dung dịch chống đông trong túi để đẩy cục đông ra khỏi mũi kim, sau đó kẹp panh dây lấy máu và đậy mũi kim lại. Thực hiện lại từ đầu với lần chọc thứ hai với sự cẩn thận cao hơn.

7.3. Theo dõi quá trình lấy máu:
-Theo dõi tình trạng người cho máu trong quá trình lấy máu: với các biểu hiện về nét mặt, sắc da.. Thỉnh thoảng có thể hỏi người cho máu một số câu xã giao. Nếu có biểu hiện không bình thường thì cần ngừng ngay quá trình cho máu, gọi bác sĩ phụ trách để có hướng xử lý, phù hợp, kịp thời.

- Trộn chất chống đông và máu: động tác này không phải làm nếu lấy bằng máy lắc máu. Nếu sử dụng bằng tay thì có thể làm động tác xoa bóp, rồi ép hoặc đảo chiều túi máu một cách nhẹ nhàng. Động tác này cần được làm liên tục trong phút đầu tiên, sau đó có thể chỉ cần làm khoảng 50ml / 1 lần ( 1-2 phút / 1 lần)

- Nên yêu cầu người cho máu nắm chặt bàn tay, hoặc co bóp bàn tay ( có thể dùng quả nắm) để máu chảy được tốt hơn. Nếu thấy dòng chảy kém, cần kiểm tra lại garo hoặc lỏng hoặc chặt quá, kiểm tra lại vị trí kim được cố định có tốt không.

- Theo dõi thể tích máu được lấy: như đã trình bày ở trên.
+ Nếu dùng máy lắc máu: sẽ tự động khoá dây lấy máu và báo động khi đủ lượng máu định lấy.
+ Với lấy máu bằng cân: tổng trọng lượng túi máu đã đến trọng lượng yêu cầu tức là đã lấy đủ máu theo dự tính.
+ Với lấy máu bằng hộp lồng: khi lấy đủ máu ta sẽ thấy túi máu nằm chật trong hộp lồng, lắc túi máu sẽ có cảm giác chặt.

7.4. Hoàn thiện quá trình lấy máu: khi đã lấy đủ lượng máu dự định.
- Thắt chặt nút thắt lỏng được làm lúc trước đến khi thấy nút thắt trắng ra không có máu nằm ở nút là đạt yêu cầu.

- Kẹp dây lấy máu sát với nút thắt về phía kim.

- Kéo panh kẹp về phía kim, cách nút thắt khoảng 2-3cm. Khi kéo panh ra ta sẽ thấy phần dây giữa nút thắt và panh kẹp lại và không có máu ở đoạn đó là được.

- Dùng kéo cắt dây lấy máu ở đoạn giữa nút thắt và tay kẹp tách rời dây lấy máu khỏi người cho.

- Lấy máu vào ống nghiệm: mở nhẹ panh kẹp lấy một lượng máu vừa đủ, sau đó lại kẹp lại, tháo dây garo, đặt bông vô trùng vào vị trí chọc ven, rút kim ra từ từ ( tránh rút kim nhanh gây phản ứng cho người cho máu), phần máu trong đoạn dây còn lại được cho nốt vào ống nghiệm thử lại. Đậy nút kim và bỏ đoạn dây và kim vào hộp chứa đồ thải.

- Cố định bông cầm máu bằng băng dính, nhưng nên nhắc người cho duỗi tay, lấy tay kia ấn bông cầm máu khoảng vài phút. Không nên gập tay dễ gây chảy máu do bông không ép chặt vào vết chọc kim.

- Hỏi người cho có dễ chịu sau khi cho không. Nên để người cho máu nằm thêm một vài phút sau khi cho, trả cho họ thẻ hoặc phiếu cho máu sau khi điền lượng máu đã cho.Hướng dẫn người cho máu ra nơi ăn điểm tâm nhẹ sau khi cho máu. Cần cám ơn người cho máu sau khi cho máu trước khi chia tay.

- Dùng kìm vuốt vuốt phần máu trong dây về túi máu làm từ một đến hai lần để máu trong dây được trộn lẫn với chất chống đông.

- Gia cố thêm nút thắt trên dây lấy máu bằng máy hàn hoặc khoá nhôm ( ở vị trí sát với nút thắt đã được làm) .

- Ghi số lượng máu được lấy lên nhãn túi, hoàn chỉnh nốt các thông tin yêu cầu nếu còn thiếu. Chuyển các túi máu và ống nghiệm sang bộ phận tiếp theo.


RE: Kỹ thuật lấy máu bằng túi dẻo - nguyễn hoa - 03-07-2014

TRONG TÚI CÓ CHỨA CHẤT CHỐNG ĐÔNG GÌ VÀ TẠI SAO DÙNG CHẤT CHỐNG ĐÔNG ĐÓ Ạ


RE: Kỹ thuật lấy máu bằng túi dẻo - tuyenlab - 03-11-2014

(03-07-2014, 09:46 PM)nguyễn hoa Đã viết: TRONG TÚI CÓ CHỨA CHẤT CHỐNG ĐÔNG GÌ VÀ TẠI SAO DÙNG CHẤT CHỐNG ĐÔNG ĐÓ Ạ

Sử dụng các chống đông citrat có đường như CPD, CPD-A1... vừa giữ được các yếu tố đông máu, vừa cung cấp dinh dưỡng cho tế bào máu sống.