Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Truyền máu tự thân - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html)
+--- Diễn đàn: Huyết học - Truyền máu (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-70.html)
+---- Diễn đàn: Lý thuyết (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-101.html)
+---- Chủ đề: Truyền máu tự thân (/thread-2210.html)



Truyền máu tự thân - tuyenlab - 04-17-2013

1. Khái niệm truyền máu tự thân

Truyền máu tự thân là thủ thuật thu gom và sau đó truyền trả lại máu của chính bệnh nhân. Truyền máu tự thân rất hiệu quả đối với các trường hợp mổ phiên và mổ cấp cứu nếu tiên lượng trước phẫu thuật sẽ gây ra tình trạng mất máu tới mức phải chỉ định truyền máu.

Có 3 phương pháp truyền máu tự thân là:
• Cho máu trước phẫu thuật.
• Hòa loãng máu.
• Truyền máu hoàn hồi.

2. Cho máu trước phẫu thuật


Cho máu trước phẫu thuật bao gồm lấy và bảo quản máu bệnh nhân trước khi mổ phiên (kết thúc ít nhất 5 ngày trước mổ). Máu được xét nghiệm, dán nhãn và bảo quản tương tự như máu lấy từ người cho thông thường. Bệnh nhân sau đó được uống chế phẩm sắt bổ sung. Vào ngày mổ, thông thường có 4-5 đơn vị máu đã bảo quản sẵn sàng cho trường hợp cần truyền máu trong quá trình tiến hành phẫu thuật.
Đơn vị máu không sử dụng không được truyền cho các bệnh nhân khác trừ khi những đơn vị này đã được xét nghiệm đối với tác nhân lây qua đường truyền máu, bao gồm: HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét.

3. Hoà loãng máu

Hoà loãng máu trước phẫu thuật là thủ thuật lấy một thể tích máu xác định trước của bệnh nhân ngay trước khi bắt đầu ca mổ và thay thế đủ thể tích tuần hoàn bằng dung dịch điện giải hay dung dịch keo. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được hòa loãng máu sẽ mất hồng cầu ít hơn và máu đã lấy sau đó được truyền trả lại. Những đơn vị máu tự thân tươi này sẽ chứa đầy đủ các yếu tố đông máu và tiểu cầu.

Khi sử dụng phương pháp này cần tuân thủ những điểm lưu ý về an toàn sau đây:
• Loại trừ những bệnh nhân vốn không có khả năng bù với việc giảm cung cấp ô xy do hoà loãng máu.
• Thay thế lượng máu lấy ra bằng dung dịch điện giải (ít nhất 3 ml dịch cho mỗi 1 ml máu lấy ra) hoặc dung dịch keo (1,2-1,5 ml dịch cho mỗi 1 ml máu lấy ra).

4. Truyền máu hoàn hồi

Truyền máu hoàn hồi là thu gom máu chảy ra từ vết thương, các khoang cơ thể hay ổ khớp và sau đó truyền trả lại cho chính bệnh nhân. Truyền máu hoàn hồi được sử dụng trong mổ phiên và trong phẫu thuật chấn thương và cấp cứu, ví dụ chửa ngoài tử cung vỡ.
Truyền máu hoàn hồi không được chỉ định trong trường hợp có nguy cơ máu bị nhiễm trùng do các thành phần của ruột, vi khuẩn, mỡ, dịch ối, nước tiểu, tế bào ác tính. Không được truyền máu hoàn hồi đối với máu đã chảy ra quá 6 giờ vì nguy cơ vỡ hồng cầu rất cao.
Các phương pháp lấy máu để truyền máu hoàn hồi bao gồm:

a. Lấy máu và lọc qua lưới

Phương pháp này không đắt và phù hợp để lấy máu từ các khoang cơ thể. Tại lúc phẫu thuật và sử dụng kỹ thuật vô trùng, máu được lấy từ khoang bằng dụng cụ như môi hoặc bát. Sau đó máu được trộn với chất chống đông rồi đem lọc qua lưới.

b. Lấy máu bằng hệ thống hút bằng tay

Hệ thống hút bao gồm ống hút nối với bình chứa chất chống đông. Khi thực hiện thủ thuật, máu được hút từ khoang cơ thể hay vết thương vào chai. Ngoài ra, máu có thể được thu gom sau phẫu thuật qua dẫn lưu. Áp lực hút phải thấp để tránh làm vỡ hồng cầu.

c. Lấy máu bằng hệ thống hút tự động

Hệ thống này được gọi là máy bảo quản tế bào, thực hiện tất cả các khâu từ thu gom, trộn chất chống đông, rửa, lọc và hồng cầu được hoà loãng trở lại bằng dung dịch điện giải trước khi truyền trả lại. Giá thành cao của thiết bị này cộng với giá của bộ kit dùng một lần cho mỗi bệnh nhân cũng cao nên chưa thể áp dụng rộng rãi.