ĐẾM SỐ LƯỢNG BẠCH CẦU
(Bằng kính hiển vi quang học)
1. Nguyên tắc:
Đếm số lượng bạch cầu của máu toàn phần trong một thể tích đã biết với một tỷ lệ pha loãng nhất định để tính ra số lượng bạch cầu trong một lít máu toàn phần.
2. Máu xét nghiệm, hoá chất và dụng cụ:
- Máu tĩnh mạch hoặc mao mạch chưa kịp đông hay đã được chống đông bằng EDTA khô 1,5mg/ml.
- Dụng cụ lấy máu mao mạch (đầu ngón tay) và tĩnh mạch.
- Dung dịch đếm bạch cầu: có thể dùng dung dịch Lazarus, dung dịch Hayem hoặc dung dịch xanh acetic.
- Quả bóp cao su.
- Ống pha loãng (potain) bạch cầu, loại pha loãng 20 lần .
- Buồng đếm, lamen.
- Kính hiển vi quang học.
3. Kỹ thuật:
3.1. Pha loãng, nhỏ lên buồng đếm:
Lắc kỹ ống máu, nếu chích đầu ngón tay thì nhớ thấm bỏ giọt đầu. Dùng potain hút máu đến vạch 0,5. Lau sạch đầu ống hút, chú ý không để máu trong ống hút bị thiếu do động tác này. Sau đó hút tiếp dung dịch pha loãng bạch cầu đến vạch 11 ở phía trên bầu (độ pha loãng 1/20), bỏ quả bóp ra, dùng ngón tay cái và trỏ (hoặc giữa) bịt chặt hai đầu potain, lắc theo chiều dọc potain khoảng 2-3 phút đến khi màu của máu trong potain chuyển sang màu sẫm. Chú ý không để có bọt khi hút máu và dung dịch pha loãng, không hút máu quá vạch chuẩn, không được để mất máu khi hút dung dịch pha loãng.
Gắn lamen lên buồng đếm khô, sạch. Sau khi lắc kỹ, bỏ giọt đầu, để đầu dưới potain sát cạnh lamen, nhỏ một giọt to đầy buồng đếm nhưng không tràn ra ngoài, đợi 5 phút. Dùng vật kính x10 kiểm tra xem bạch cầu có trải đều trên buồng đếm hay không.
3.2. Đếm số lượng bạch cầu và tính kết quả:
3.2.1. Buồng đếm Goriaep:
Đếm bạch cầu trong 25 khu vực (mỗi khu vực có 4 ô vuông). Gọi n là tổng số bạch cầu đếm được trong 25 khu vực, độ pha loãng 1/20 thì :
Số lượng bạch cầu = n x 20 x 10/4 = 50 n / mm^3
Trong đó:
- 10 là chiều cao buồng đếm.
- 4 là 4 mm ^2 (diện tích của 25 khu vực đếm).
3.2.2. Buồng đếm Neubauer và Smic:
Đếm bạch cầu trong 4 khu vực (mỗi khu vực có 16 ô vuông). Gọi n là tổng số bạch cầu đếm được trong 4 khu vực, độ pha loãng 1/20 thì :
Số lượng bạch cầu = n x 20 x 10 / 4 x 10^6 = 50 n x 10^6/lit
Trong đó:
- 10 là chiều cao buồng đếm.
- 4 là 4 mm [sup]2 [/sup] (diện tích của 4 khu vực đếm).
3.2.3. Buồng đếm Thoma:
Đếm bạch cầu trong 16 khu vực (mỗi khu vực có 16 ô vuông) có diện tích là 1 mm^2. Gọi n là tổng số bạch cầu đếm được trong 16 khu vực, độ pha loãng 1/20 thì :
Số lượng bạch cầu = n x 20 x 10 x 10^6= 200n x 10^6/ lit
3.2.4. Buồng đếm Malassez:
Đếm bạch cầu trong 100 khu vực (mỗi khu vực có 20 ô vuông) có diện tích là 1mm^2. Gọi n là tổng số bạch cầu đếm được trong 100 khu vực, độ pha loãng 1/20 thì :
Số lượng bạch cầu = n x 20 x 10 x 10^6 = 200n x 10^6/lit
4. Nguyên nhân sai số:
- Máu xét nghiệm không đúng qui cách: đông dây, máu mao mạch bị pha loãng bởi dịch gian bào do nặn bóp đầu ngón tay nhiều khi chích máu, ống máu để lâu không đậy nút,...
- Dụng cụ không đủ tiêu chuẩn: bẩn, ướt, ...
- Gắn lamen không khít.
- Pha loãng không chuẩn: hút máu không đúng vạch qui định trên potain, dung dịch pha loãng thiếu hoặc thừa.
- Dung dịch pha loãng nhiều cặn hoặc vẩn đục.
- Không trộn đều.
- Nhỏ trên buồng đếm không đúng kỹ thuật: có bọt khí, bạch cầu phân bố không đều,...
- Đếm hoặc tính kết quả sai.