Diễn đàn xét nghiệm đa khoa

Phiên bản đầy đủ: [LT] Một số khái niệm miễn dịch cơ bản trong truyền máu
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Xem phiên bản đầy đủ với định dạng thích hợp.
1. Miễn dịch và phân loại:

Miễn dịch là khả năng bảo vệ của cơ thể chống lại sự xâm nhập của các yếu tố "ngoại lai". Có nhiều cách phân loại:
Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch mắc phải
Miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu
Tự miễn dịch, miễn dịch đồng loại và miễn dịch dị loại.
Miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động.

2. Kháng nguyên:


Là các phân tử có khả năng gắn (phản ứng) với kháng thể đặc hiệu, có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch (Immune response). Bao gồm:
Tự kháng nguyên (auto - Antigen)
Kháng nguyên đồng chủng (Isoantigen)
Kháng nguyên idiotip (idiotype antigen)
Kháng nguyên đồng loài (alloantigen)
Kháng nguyên dị loại (heteroantigen)
Về cấu trúc, kháng nguyên có hai phần : Phần đặc hiệu là phần kích thích sinh kháng thể đặc hiệu và phản ứng với kháng thể đó. Phần này mang tính đặc hiệu của kháng nguyên (Specificity). Phần mang kháng nguyên, phần này có khả năng kích thích cơ thể đáp ứng mạnh hay yếu, còn gọi là phần mang tính kháng nguyên (Antigenicity).

3. Kháng thể


Kháng thể là các globulin miễn dịch viết tắt là Ig (Immunoglobulin) được tạo nên bởi tương bào khi đáp ứng với kháng nguyên, gọi là miễn dịch dịch thể. Còn đáp ứng của T lympho với kháng nguyên gọi là miễn dịch tế bào.
Kháng thể dịch thể, tùy theo loại kháng nguyên có các tên gọi khác nhau: Tự kháng thể, kháng thể đồng loại và kháng thể dị loại.
Các phân tử kháng thể được cấu trúc chung bởi 4 chuỗi đa peptid, trong đó 2 chuỗi nặng H (Havy chain) và 2 chuỗi nhẹ L (Light chain). Các chuỗi này được liên kết với nhau bởi cầu disulfur (-S-S-). Các chuỗi nhẹ của các Ig có 2 kiểu: Lamđa (λ) và Kappa (K). Chuỗi Kappa chiếm 65%, chuỗi lamda chiếm 35%. Chuỗi nặng lại đặc trưng cho từng Ig: chuỗi nặng của IgG ký hiệu là γ, IgA là α, IgM là µ, IgD là δ, IgE là ε.

4. Bổ thể

Bổ thể (viết tắt C’) là một chuỗi protein dạng enzyme có thể bị hoạt hoá tạo ra các sản phẩm quan trọng phá huỷ tế bào, vi trùng bằng con đường miễn dịch. Các sản phẩm bổ thể sẽ làm tăng hiện tượng thực bào (phagocytosis) và ẩm bào (opsonization); bổ thể khi hoạt hoá có thể tạo ra nhiều yếu tố có hoạt tính sinh lý, làm tăng thấm mạnh, giảm huyết áp, gây dị ứng...Bổ thể có 9 thành phần được ký hiệu từ C1 đến C9.

5. Các tế bào tham gia phản ứng miễn dịch tế bào:

a. Nhóm thực bào:

Bạch cầu hạt: trung tính, ái toan, ái kiềm. Nhưng chủ yếu là bạch cầu hạt trung tính làm nhiệm vụ thực bào, tham gia phản ứng ADCC (phản ứng độc tế bào qua trung gian kháng thể).
Monocyte/đại thực bào: gồm bạch cầu đơn nhân ở máu (chiếm 60 - 70%), đại thực bào ở tổ chức: phổi, da, gan, lách, hạch, não (microglial cells), tuỷ xương làm nhiệm vụ thực bào, trình diện kháng nguyên, sản xuất các cytokin tham gia phản ứng ADCC.
Tế bào đuôi gai (dendritic cells): từ tổ chức bào trở thành tế bào thực bào, đóng vai trò quan trọng trong trình diện kháng nguyên, sản xuất các cytokin, tham gia phản ứng ADCC.

b. Nhóm lymphô

T lympho với các subset (dưới nhóm) của nó : Ts (ức chế) ; Th (hỗ trợ) ; Ti (cảm ứng) ; Ta (hoạt hoá) ; Tc (độc tế bào), sản xuất cytokin.
NK: diệt tự nhiên, chống ung thư, sản xuất cytokin, tham gia ADCC.
B lympho tham gia phản ứng ADCC bằng receptor Fc, tạo kháng thể dịch thể, sản xuất các cytokin.
Tương bào: tạo kháng thể tham gia phản ứng ADCC.

c. Nhóm tế bào tác dụng phụ


Tế bào mast: giống bạch cầu ái kiềm, đóng vai trò trong phản ứng dị ứng, bạch cầu ái toan tham gia phản ứng dị ứng.
Tiểu cầu: đóng vai trò đông máu, phản ứng viêm.
Tế bào nội mạch (endothelial cells) đóng vai trò trong kiểm soát và phân phối tế bào ở các vùng khác nhau, sản xuất các cytokin (INF).